Chắc hẳn khi xem những bộ phim Hàn Quốc, ai nấy đều ước một lần được say giấc nồng ngay trên sàn những ngôi nhà hanok truyền thống, sáng thức dậy với bàn ăn đầy ắp các món. Vì thế khi có dịp đến xứ sở kim chi, tôi và nhóm bạn quyết tâm tìm cách sống thử như một người Hàn thực thụ ở làng cổ Hahoe, thành phố Andong.
Đây là ngôi làng cổ được gia tộc họ Ryu xây dựng và sinh sống từ triều đại Jaseon. Trải qua 600 năm đến nay những ngôi nhà hanok truyền thống ở Hahoe vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn và là nơi sinh sống của hàng trăm người dân. Để cảm nhận cuộc sống chậm rãi, yên bình hàng trăm trước nhưng vẫn chiêm ngưỡng được vẻ đẹp trọn vẹn của ngôi làng được mệnh danh là hoa sen giữa hồ nước, chúng tôi chọn nghỉ qua đêm tại ngôi nhà xưa của nho sĩ Ryu Seong-ryong nổi tiếng dưới triều đại Jaseon.
Ngôi nhà hanok bên làng cổ Hahoe. Ảnh: Vy An |
Ngôi nhà nằm ngay cạnh con sông bao quanh làng, dưới chân ngọn núi Hwasan. Đây là nơi Ryu Seong-ryong sau khi cáo quan về quê ở ẩn đã xây lên để an dưỡng tuổi già. Bởi vậy nhà có vị thế rất đẹp, nằm lưng chừng núi, phía sau là đồi thông xanh mướt, trước mặt là khung cảnh nên thơ của làng cổ Hahoe với những mái nhà lúp xúp cùng dòng sông hiền hòa, uốn lượn.
Không như những ngôi nhà từng đến, chúng tôi phải bước qua hai lần cổng mới vào được bên trong. Một cổng ngăn cách bên ngoài với công trình phụ, cổng còn lại dẫn từ công trình phụ vào sân trong nơi có các ngôi nhà lớn. Thường những cô con gái đi đâu cũng được nhóm con trai ưu tiên, nhưng theo sắp xếp của bác chủ nhà, lần này chúng tôi “được” ở gian phòng cạnh bếp, còn phái mạnh đương nhiên dọn lên gian nhà chính với hai phòng ngủ riêng và cả không gian sinh hoạt chung.
Trong văn hóa Hàn Quốc, đặc biệt là giai đoạn cổ xưa, nam nữ đều có vị trí và trách nhiệm rõ ràng trong xã hội. Điều này thể hiện ngay trong không gian sống trong nhà dành cho nam và nữ. Hiểu được ngụ ý trong cách sắp xếp của bác chủ nhà, chúng tôi lúi húi vác vali về phòng chỉ định. Nhưng tất cả không khỏi sửng sốt khi cả thảy 4 đứa con gái mở cửa và nhìn thấy căn phòng rộng chưa đến 10 m2. Ai nấy đều tự hỏi sẽ xoay xở ra sao trong không gian đáng ra chỉ dành cho 1-2 người này.
Sàn nhà lúc nào cũng ấm áp nhờ hệ thống sưởi truyền thống ondol. Ảnh: Vy An |
Tuy nhiên sau khi quyết định để vali ở bên ngoài, chỉ mang những thứ thật cần thiết vào trong, cả 4 ngồi lại và thấy không gian vừa đủ để nghỉ ngơi. Vấn đề lúc này là công trình phụ cách phòng ngủ khá xa và nhiệt độ bên ngoài thì xuống chừng 5-6 độ C. Ngoài lối qua cổng, chúng tôi chọn đi đường tắt bằng cách vắt ngang sang gian bếp bên cạnh bởi nơi đây thông thẳng đến công trình phụ. Thế là một vấn đề nữa được giải quyết.
Thích thú nhất là cảm giác bước từ “tủ lạnh” ngoài trời vào gian phòng ngủ ấm sực, như hai thế giới hoàn toàn khác biệt dù chỉ cách nhau một tấm cửa kéo mỏng manh. Cánh cửa nhẹ thật, được che chắn bởi giấy và trong cùng lớp lưới. Chỉ cần mạnh tay kéo quá cửa là sẽ để lộ lớp lưới, vốn có tác dụng thông gió vào mùa hè.
Đồ đạc trong phòng không nhiều, ngoài chiếc kệ nhỏ đỡ tivi, ổ điện, giá sách, thì có một chiếc tủ lớn chứa rất nhiều chăn và nệm. Chúng tôi lần lượt lấy ra trải và háo hức tận hưởng cảm giác ngả lưng thư giãn. Đêm xuống nhiệt độ bên ngoài là 0 độ C, nhưng bên trong chúng tôi vẫn quần cộc, áo ngắn tay, nằm trên những tấm nệm trải ngay ra sàn và thao thao bất tuyệt. Đó là nhờ hệ thống sưởi ấm bằng đá được người Hàn Quốc sử dụng hàng trăm năm qua.
Họ trải các lớp đá dưới sàn nhà và đốt nóng một hòn đá lớn. Hơi nóng từ hòn đá này sẽ lan tỏa và truyền nhiệt đến sàn giúp phòng trở nên ấm áp. Đây cũng là một trong những lý do khiến phòng ngủ trong nhà hanok thường nhỏ nhưng ấm cúng. Người Hàn cũng không quét vôi mà có thói quen dán giấy tường, vừa có tác dụng làm đẹp, lại thoáng khí, phù hợp với thời tiết hanh khô.
Bữa cơm truyền thống với cả chục món. Ảnh: Vy An |
Tám tiếng qua đêm vụt nhanh như tích tắc trong chăn ấm, nệm êm. Chào đón chúng tôi vào buổi sáng thức dậy là bàn ăn đầy ắp các món do chính những phụ nữ Hàn vào bếp. Với người Hàn Quốc, bữa sáng là bữa quan trọng nhất và đông đủ thành viên. Bàn ăn được dọn ra với hàng chục chén đĩa, mới thứ chỉ đựng một chút nhưng vừa đủ và bắt mắt.
Bên cạnh cơm và kimchi, rong biển và canh đậu tương là hai món không thể thiếu trong bữa ăn truyền thống của người Hàn. Ngoài ra chúng tôi còn được phục vụ thêm một số món muối chua, cá và bánh gạo nếp. Không có thói quen ăn cơm sáng nhưng chúng tôi đều đánh chén ngon lành số cơm mang ra, thậm chí phải gọi thêm. Đã nạp đầy năng lượng, tất cả chúng tôi sẵn sàng cho ngày dài phía trước.
Làng Hahoe nằm ở thôn Hahoe, xã Pungsan, Andong, tỉnh Gyeongsang Bắc. Từ Hà Nội, TP HCM, bạn có thể chọn các chuyến hàng ngày của Vietnam Airlines để đến Busan, sau đó bắt xe buýt hoặc đi tàu đến Andong, rồi đón xe buýt 46 đến làng. Có khoảng 10 chuyến xe buýt đến Hahoe mỗi ngày. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo danh sách những nhà nghỉ Hanok được xác nhận bởi Tổng cục Du lịch Hàn quốc. Đây là những ngôi nhà đã dược lựa chọn một cách cẩn thận, trong số đó có cả những ngôi nhà đã được công nhận là di sản văn hóa và những ngôi nhà được lưu truyền qua nhiều thế hệ của một dòng tộc. |
Xem thêm: Tự tay bứt táo chín trên cây ở Hàn Quốc
Vy An
from Du lịch - VnExpress RSS http://ift.tt/1kVTFVz
via IFTTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét